Nghĩa đen nghĩa bóng là gì? Các ví dụ. Trong lớp nghĩa của câu, chúng ta thường thấy có các lớp nghĩa khác nhau, đó là nghĩa đen và nghĩa bóng. Vậy khái niệm nghĩa đen và nghĩa bóng là gì? Chúng được thể hiện vai trò như thế nào trong câu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới ngay nhé.
Nghĩa đen và nghĩa bóng
Nghĩa đen, nghĩa bóng là gì?
– Nghĩa đen: một từ, một câu bao giờ cũng thể hiện ra ngoài nghĩa ban đầu, nghĩa chính thì ta gọi đó là nghĩa gốc hay nghĩa đen của từ đó, câu đó.
– Nghĩa bóng: từ nghĩa đen của từ, của câu suy ra nghĩa khác (nghĩa được ẩn sau) thì gọi là nghĩa bóng. Thông thường muốn tìm ra nghĩa bóng phải đặt vào trong hoàn cảnh cụ thể để hiểu chính xác nghĩa ẩn sau nghĩa đen là gì.
Ví dụ:
Câu “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” có thể hiểu như sau:
+ Nghĩa đen: “Mực” là cái để bơm vào bút để viết chữ, “đèn” là đồ vật để thắp sáng; ” Đen” chỉ màu sắc là màu đen, “rạng” nghĩa là sáng. Nghĩa đen cả câu là nếu bị mực rây vào tay thì sẽ có màu đen của mực, còn nếu ngồi gần đèn thì sẽ được chiếu sáng.
+ Nghĩa bóng: “Mực” chỉ những thứ xấu, không lành mạnh, “đèn” ẩn dụ cho những thứ tốt đẹp. Nghĩa bóng được hiểu là nếu con người gần môi trường xấu sẽ bị ảnh hưởng cái xấu còn gần môi trường tốt đẹp sẽ trở nên tốt đẹp.
Lưu ý: Một số từ có nghĩa trung gian. Nhưng trong quá trình sử dụng đang dần chuyển sang từ có nghĩa bóng.
Ví dụ từ “đi”: chỉ hành động di chuyển của con người từ nơi này sang nơi khác. Đây không phải là nghĩa đen nhưng lại có nghĩa tương tự với nghĩa đen (hành động di chuyển bằng hai chân từ chỗ này sang chỗ khác)
Hiện tượng từ nhiều nghĩa
– Chúng ta thường thấy từ một từ có thể có nhiều nghĩa được chuyển từ một nghĩa chính thì gọi là hiện tượng từ nhiều nghĩa.
– Một từ không nhất thiết phải có nhiều nghĩa.
– Từ nào có thể gọi tên các sự vật, hiện tượng hay biểu thị các khái niệm có trong thực tế thì cũng được xem là từ nhiều nghĩa.
Ví dụ:
– “Tủ lạnh”: đồ dùng chạy bằng điện để bảo quản thức ăn và làm đá. Từ này có một nghĩa gốc duy nhất, không có nghĩa chuyển nào khác.
– Từ “miệng” có nhiều nghĩa:
+ “Cái miệng”: chỉ một bộ phận trên mặt con người
+ “Miệng ăn”: chỉ bản thân một người, chỉ chi phí tiêu dùng trong gia đình.
Lưu ý: Cần phân biệt nghĩa đen, nghĩa bóng của một từ với hiện tượng từ nhiều nghĩa:
– Nghĩa đen, nghĩa bóng thường xuất hiện trong các câu ca dao, tục ngữ và phải đặt trong hoàn cảnh mới có thể hiểu được.
– Còn hiện tượng từ nhiều nghĩa là từ nghĩa gốc phát triển ra nhiều nghĩa chuyển khác, có thể hiểu được trong nhiều hoàn cảnh; nghĩa chuyển không thay đổi theo các hoàn cảnh.
Nghĩa đen, nghĩa bóng trong ca dao, tục ngữ
– Ca dao, tục ngữ thường xuất hiện hai lớp nghĩa khác nhau. Lớp nghĩa đầu tiên là nghĩa nổi trên bề mặt câu chữ gọi là nghĩa đen của câu. Từ nghĩa đen còn có lớp nghĩa ẩn phía sau gọi là nghĩa bóng.
– Trong ca dao, tục ngữ thường sử dụng lớp nghĩa bóng ẩn đằng sau lớp nghĩa đen để tăng tính biểu cảm cho câu. Nó thường là những lời khuyên của ông cha nên phải cắt nghĩa để hiểu cho rõ.
– Một số câu ca dao, tục ngữ và nghĩa của chúng:
+ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
- Nghĩa đen: Ăn là hành động của cơ miệng, trồng là hành động gieo hạt, cắm cây để sinh sôi, phát triển; “quả” là trái thụ sau cùng của chu kỳ sinh trưởng của cây. Khi ăn quả cuối cùng phải nhớ đến người đã trồng ra cây đó.
- Nghĩa bóng: “Ăn” là hưởng thụ; “quả” là thành quả. Cả câu có nghĩa bóng khi chúng ta hưởng thụ thành quả phải biết ghi nhớ và biết ơn đến những người đã làm ra thành quả đó.
+ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”
- Nghĩa đen: Đi đến một nơi, học thêm được nhiều điều
- Nghĩa bóng: Khuyên con người tích cực đi ra ngoài xã hội học hỏi, chắt lọc nhiều kiến thức.
+ “Có công mài sắt có ngày nên kim”
- Nghĩa đen: “Sắt” là vật liệu thô, nặng; “kim” là vật nhỏ dùng để khâu vá. Nghĩa đen bỏ ra công sức miệt mài để mài sắt rồi có ngày sắt to hóa kim nhỏ.
- Nghĩa bóng: Khuyên con người chăm chỉ, bền bỉ thì dù việc lớn nhỏ sẽ thành công vượt qua.
+ “Giấy rách phải giữ lấy lề”
- Nghĩa đen: “Rách” là hiện tượng bị thủng không còn nguyên vẹn, “lề” chỉ phần thừa ra của một trang giấy để viết thẳng theo mép lề cho ngay ngắn.
- Nghĩa bóng: “Rách” là đói kém, hoạn nạn; “lề” là nề nếp, truyền thống, gia phong. Nghĩa bóng muốn nói rằng dù con người ta có rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn đến đâu cũng phải biết giữ gìn cái truyền thống, nề nếp, gia phong của gia đình, của ông bà tổ tiên.
+ “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
- Nghĩa đen: “Sóng” hiện tượng của nước biển dâng lên đánh vào bờ, “tay chèo” là bộ phận dùng để chèo thuyền. Nghĩa đen là đừng thấy sóng lớn mà buông tay chèo làm lật thuyền.
- Nghĩa bóng: “Sóng” ẩn dụ cho những khó khăn, thử thách lớn lao trong cuộc sống, “tay chèo” biểu thị cho con đường cách thức mà chúng ta đi. Cả câu muốn nói rằng đừng vì những khó khăn trước mắt mà nản chí, bỏ cuộc, buông bỏ sự lựa chọn của mình. Khuyên con người ta phải có ý chí vượt qua mọi thử thách.
Bài tập
+ Cho câu thơ sau, giải thích nghĩa của từ “Xuân”
“Mùa Xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
(Hồ Chí Minh)
Trả lời:
– “Xuân” trong câu thơ thứ nhất mang nghĩa gốc, chỉ mùa xuân của miền Bắc Việt Nam.
– “Xuân” câu thơ thứ hai mang nghĩa bóng chỉ tươi trẻ, phát triển thịnh vượng, sinh sôi nảy nở.
+ Đặt câu hoặc tìm từ tương ứng trong câu thơ, câu văn và giải thích nghĩa của từ đó:
– Anh ta là một tay cừ khôi: Chỉ một con người giỏi, có tay nghề điêu luyện.
– Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
“Bàn tay” chỉ bộ phận trên cơ thể con người.
– Mẹ tôi trồng một giàn bầu và một giàn bí
“Bầu”, “Bí” chỉ loại quả dùng để nấu.
– Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
“Bầu”, “Bí” lại chỉ những người anh em, bạn bè quan hệ thân thiết, những người láng giềng gần gũi…
Như vậy có thể thấy nghĩa của từ rất đa dạng. Ngoài nghĩa đen (nghĩa gốc) ra thì còn có nghĩa bóng (lớp nghĩa ẩn phía sau). Hi vọng bài viết nghĩa đen nghĩa bóng là gì cùng với hiện tượng từ nhiều nghĩa đã cung cấp đầy đủ thông tin giúp các bạn hiểu bài học nhanh chóng hơn.
Thuật Ngữ –
- Thành phần biệt lập là gì? Đặt ví dụ
- Các loại từ trong Tiếng Việt (Đầy Đủ)
- Thơ lục bát là gì, cách gieo vần thơ lục bát
- Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm văn học nổi tiếng
- Văn nghị luận là gì, các dạng văn nghị luận thường gặp
- Các thể thơ Việt Nam thường gặp
- Văn biểu cảm là gì? Cách làm văn biểu cảm